7 bước marketing cho một cuốn sách vạn bản trở thành best-seller, tác giả nào cũng cần phải biết
21
Th7

Tác giả nào cũng cần phải biết 7 bước marketing cho một cuốn sách vạn bản trở thành best-seller

Trong một biển sách mênh mông như hiện nay, truyền thông và marketing là một khâu không thể thiếu được trong ba khâu chính: Sản xuất – Truyền thông & marketing – Bán hàng.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “7 bước để truyền thông & marketing tốt cho một cuốn sách” của tác giả Việt Hà. Mời độc giả đón đọc. Chị Việt Hà là một chuyên viên truyền thông có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành sách và xuất bản.

7 bước marketing cho một cuốn sách vạn bản trở thành best-seller, tác giả nào cũng cần phải biết

Như tôi đã chia sẻ trong bài viết 3 cách làm sách best – sellers tại Việt Nam, với các sách do các tác giả nổi tiếng, người nổi tiếng tại Việt Nam viết, các công ty sách có thể không cần quan tâm đầu tư quá nhiều vào việc làm truyền thông & marketing cho cuốn sách, mà vẫn có thể bán được một vài vạn bản tùy theo fan hâm mộ của tác giả nhiều hay ít.

Còn lại các cuốn sách khác, đặc biệt là sách mua bản quyền từ nước ngoài sẽ cần làm truyền thông và marketing, thì mới có thể bán được. Và để truyền thông tốt cho một cuốn sách, theo tôi có 7 bước mà người làm truyền thông, marketing cần tuân thủ.

1. Tìm hiểu mục tiêu, yêu cầu, kinh phí đầu tư cho việc truyền thông, marketing một cuốn sách

Với việc truyền thông & marketing một cuốn sách điều quan trọng đầu tiên là bạn cần phải biết được sếp của bạn có những yêu cầu, mục tiêu gì, đầu tư bao nhiêu cho việc việc này. Bỏ qua khâu này thì bao nhiêu công sức của bạn có thể “xôi hỏng bỏng không”, không được như ý sếp, bị sếp mắng, phải bỏ thêm tiền túi hoặc tệ hơn là không được phê duyệt kế hoạch cho cuốn sách này… Đặc biệt khi tính toán kinh phí cho phần việc này, bạn nên đề xuất thêm phần trăm chi phí phát sinh để đề phòng.

2. Tìm hiểu sản phẩm, xác định khách hàng của cuốn sách

Bước quan trọng thứ hai là bạn cần đọc, tìm hiểu kỹ về cuốn sách nhằm xác định được mọi đối tượng có thể là khách hàng của cuốn sách, để từ đó tối đa khả năng bán hàng cho cuốn sách. Đó có thể là những tệp khách hàng khác nhau, hoặc một tệp khách hàng và tệp con đặc biệt của nó.

Ví dụ với cuốn sách tôi đã từng làm truyền thông là “Con không ngốc con chỉ thông minh theo một cách khá”c kể về chàng trai người Đài Loan Lư Tô Vỹ bị thiểu năng trí tuệ sau một trận viêm não Nhật Bản, IQ chỉ đạt 70 điểm, nhưng bằng tình yêu và nỗ lực động viên không ngừng của toàn thể gia đình, năm 12 tuổi chàng trai ấy đã biết được những con chữ đầu tiên. Sau đó, bản thân anh cũng nỗ lực không ngừng để cuối cùng có thể thi đỗ đại học, trở thành một nhân tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn tại Đài Loan.

Với cuốn sách này tôi xác định đối tượng khách hàng là những ông bố bà mẹ có con không được thông minh nhanh nhẹn như những người bình thường, thậm chí là bất cứ ông bố bà mẹ nào muốn động viên con cái phấn đấu, nỗ lực hơn nữa. Đối tượng thứ hai tôi xác định là rất rất nhiều các bạn trẻ đang tự ti về bản thân, hoang mang lạc lối trong đời sống hiện tại.

3. Xác định thông điệp truyền tải của cuốn sách với từng đối tượng khách hàng

Sau khi xác định được khách hàng của cuốn sách, việc tiếp theo của bạn là xác định thông điệp truyền tải cho từng đối tượng khách hàng. Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, bạn phải có thông điệp phù hợp thì mới mong thuyết phục được họ mua hàng.

Theo tôi, thông điệp truyền thông tốt nhất phải giúp trả lời được câu hỏi của khách hàng: Tại sao tôi phải mua cuốn sách này trong hàng chục, thậm chí hàng trăm cuốn sách tương tự trên thị trường.

Ví dụ với cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác tôi đã nói ở trên, với đối tượng khách hàng là các ông bố bà mẹ, tôi xác định truyền đi thông điệp: Tình yêu và sự động viên không ngừng nghỉ của các bậc sinh thành có thể giúp những đứa trẻ có vấn đề về nhận thức, trí tuệ, thậm chí là thiểu năng học hỏi và vươn tới thành công như bố mẹ chàng trai Lư Tô Vỹ đã làm. Với những đứa trẻ thông thường, bố mẹ mà làm được điều này, thì đứa trẻ còn có thể tạo nên nhiều kỳ tích nữa.

Với các bạn trẻ đang tự ti về bản thân, hoang mang lạc lối trong đời sống hiện tại, thì tôi gửi đến thông điệp: hành trình và nỗ lực không ngừng nghỉ của Lư Tô Vỹ từ một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ đến bục cao thành công, là một minh chứng cho việc dù bạn là ai, chỉ cần bạn hiểu được chính mình và nỗ lực không ngừng, thì bạn cũng có thể gặt hái được thành công như thế.

4. Xây dựng kế hoạch truyền thông & marketing phù hợp với kinh phí được phê duyệt

7 bước marketing cho một cuốn sách vạn bản trở thành best-seller, tác giả nào cũng cần phải biết

Với vô vàn các bài học về truyền thông, các chiến thuật marketing hữu ích bạn đã được học từ sách vở, thầy cô, chuyên gia, thì bạn có thể thấy: Có thể áp dụng rất nhiều chiến thuật để làm truyền thông và mark cho một cuốn sách, khiến nó bán chạy trên thị trường.

Tuy nhiên, hãy để tôi kéo bạn trở lại với thực tại. Vì có một thực tế phũ phàng là làm gì bạn cũng phải nghĩ đến vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Đến bước này, bạn cần phải nhìn vào số tiền thực tế mà sếp bạn đã duyệt cho ở phần 1, để “liệu cơm gắp mắm”, xác định và xây dựng kênh, kế hoạch hoạt động truyền thông và marketing cho phù hợp, sao cho đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu sếp đưa ra lúc đầu: Có truyền thông báo chí không, marketing online ra sao, có tổ chức event không, có làm tờ rơi, email marketing hay không, kinh phí mỗi mục sẽ ntn… Ngược lại là bạn sẽ chết chắc.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng với một cuốn sách hay, nếu được đầu tư kinh phí làm PR & marketing tương xứng, thì khả năng biến nó trở thành best-seller sẽ nằm trong tầm tay của công ty. Đơn cử với cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs, nhóm chúng tôi đã đề ra một kế hoạch PR & marketing khá hoành tráng, và cuốn sách ngay lập tức đã bán được một vạn bản trong tháng đầu tiên ra mắt, và được tái bản nhiều lần sau đó, thậm chí cho đến tận bây giờ.

5. Chuẩn bị content, thiết kế truyền thông, marketing

Xác định xong kênh và kế hoạch RR & marketing thì việc tiếp theo của bạn là chuẩn bị thiết kế, content để truyền tải được các thông điệp nói trên, trên các kênh sao cho phù hợp, hiệu quả, gồm: Thông cáo báo chí, các bài giới thiệu sách khác nhau gửi báo chí, nội dung đăng tải FB và các kênh tương tự, nội dung email marketing, hình ảnh sản phẩm, video clip (nếu có)…

Bạn có thể thắc mắc với tôi, đã có thông cáo báo chí rồi thì còn cần các bài giới thiệu sách khác để làm gì nữa. Tôi xin trả lời như sau: Bạn hình dung là phóng viên phụ trách mảng sách ở một tờ báo mỗi ngày nhận được thông cáo báo chí và sách tặng của ít nhất 3-5 đơn vị làm sách trong cả nước. Nếu cuốn nào họ cũng tự đọc và viết bài, thì chắc phải đến năm sau hoặc nửa năm sau họ mới viết bài được cho bạn. Khi đó dĩ nhiên là kế hoạch của bạn đổ bể rồi.

Hoặc có thể xảy ra trường hợp khác, nhiều phóng viên sẽ cùng dùng chung TCBC của bạn và thông tin trên các báo gần như giống hệt nhau, độc giả đọc sẽ không thấy thuyết phục bằng việc mỗi nơi họ lại thấy vài điểm hay của cuốn sách, và họ muốn mua cuốn sách để tự mình khám phá nó. Điều này cũng tương tự như việc bạn phải cung cấp nhiều thông tin về sản phẩm của bạn trên FB để thuyết phục khách hàng. Và để làm được điều này thì bạn buộc phải tích cực chuẩn bị nội dung sao cho thật phong phú, hấp dẫn thôi.

6. Thực hiện kế hoạch truyền thông, marketing đã được phê duyệt

Sau khi đã trải qua tất cả các bước trên đến bước này thì bạn thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt thôi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý theo dõi sát sao công việc, và thực hiện các điều chỉnh nếu thấy cần thiết, đặc biệt là với việc marketing online. Ví dụ nếu thấy một post giới thiệu cuốn sách có kết quả tương tác không được tốt như ý, thì cắt giảm ngân sách quảng cáo chuyển sang cho các post có tương tác tốt hơn…

7. Tổng kết, rút kinh nghiệm

Cuối cùng là bạn cần tổng kết lại các hoạt động đã làm, số tiền đã tiêu, kết quả thu được, để làm báo cáo gửi sếp. Và theo kinh nghiệm của tôi, bạn cũng nên làm tổng kết rút kinh nghiệm để rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích cho mình thôi. Vì bỏ qua điều này rất có thể bạn sẽ mắc phải 1 lỗi sai nhỏ, ngớ ngẩn đến 2-3 lần mới nhớ được đấy.

Trên đây là 7 bước để truyền thông tốt cho một cuốn sách theo kinh nghiệm của tôi. Tôi cho rằng tôi đã mô tả khá kỹ các bước này, nhưng tôi và các bạn đều biết truyền thông & marketing là một công việc sáng tạo, thậm chí là sáng tạo ở từng bước công việc. Vì vậy biết được quy trình này mới chỉ là một phần nhỏ của công việc thôi, phần lớn còn lại là thực hiện cụ thể quy trình đó với một cuốn sách, một bộ sách như thế nào, thì còn đòi hỏi và phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mỗi người nữa.

Việt Hà – Chuyên viên truyền thông, Blogger điểm sách
Theo Nhịp Sống Kinh Tế